CEO Phạm Anh Cường: Quyết định thành bại của một dự án khởi nghiệp là kết quả việc gọi vốn đầu tư và tiếp cận vốn đầu tư

Ngày đăng: 09:46 AM, 22/08/2024 - Lượt xem: 84

Phạm Anh Cường (Cường Steward) - Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Hệ sinh thái Khởi nghiệp BestB và đồng thời cũng là Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Flower Farm từng Hai lần khởi nghiệp từ thất bại, hiện tại anh đang là chuyên gia thương hiệu và hỗ trợ startup bằng chính kinh nghiệm của mình.

Phạm Anh Cường CEO Quỹ đầu tư BestB

Hành trình của Phạm Anh Cường trở thành một chuyên gia trong việc nuôi dưỡng và phát triển startup Việt bắt đầu từ sự tình cờ và đam mê với nghệ thuật hoa giấy. Hơn 10 năm trước, khi còn là sinh viên Ngoại Thương du học ngành Tài chính - Ngân hàng tại Nhật Bản qua học bổng cho sinh viên xuất sắc, Cường đã bị cuốn hút bởi nghệ thuật hoa giấy Kamibana thông qua các CLB truyền thống.

Anh chia sẻ: "Hoa giấy không chỉ là sản phẩm của tri thức và sự tinh tế mà còn là kết quả từ đôi bàn tay khéo léo của con người, điều mà không công nghệ nào có thể thay thế." Nhận thấy tiềm năng phát triển ở Việt Nam, nơi có nền thủ công mỹ nghệ truyền thống và chi phí lao động thấp, Cường bắt đầu ấp ủ ý tưởng mang nghệ thuật này về quê nhà.

Năm 2009, khi trở về Việt Nam, với nhiệt huyết của tuổi trẻ, Cường đã khởi nghiệp với Kamibana, startup đầu tiên về hoa giấy, với đội ngũ 6 người. Dù đạt được một số thành tựu ban đầu và giành giải thưởng tại các cuộc thi khởi nghiệp, Kamibana cuối cùng vẫn thất bại do hướng đi sai và thiếu kỹ năng lãnh đạo.

Gác lại giấc mơ khởi nghiệp, Cường chuyển sang làm thuê, kinh qua nhiều vị trí từ xuất nhập khẩu, trưởng nhóm quản lý thị trường ASEAN trong một tập đoàn công nghệ, đến giám đốc tại một công ty bất động sản lớn. Bốn năm làm thuê đã giúp anh tích lũy kỹ năng, chuyên môn và khả năng lãnh đạo, tạo nên nền tảng vững chắc cho tương lai.

Dù đang ở đỉnh cao sự nghiệp với mức lương hơn 2.000 USD mỗi tháng, Cường vẫn tự hỏi liệu đây có phải điều anh thực sự mong muốn. Niềm đam mê với hoa giấy và giấc mơ khởi nghiệp vẫn cháy bỏng. Năm 2014, với kinh nghiệm và kiến thức đã tích lũy, anh quyết định tái khởi nghiệp và thành lập Hệ sinh thái khởi nghiệp BestB, nhằm hỗ trợ các startup từ chính những trải nghiệm của mình.

Tháng 3/2015, anh tiếp tục khởi nghiệp với Flower Farm, một startup hoa giấy với số vốn ban đầu 2 tỷ đồng. Flower Farm được đặt tên quốc tế với mục tiêu đưa thương hiệu Việt và nghề truyền thống ra thế giới. Từ việc bán sản phẩm thủ công tại siêu thị, nhà sách, đến nay, Flower Farm đã mở rộng khắp cả nước và xuất khẩu sang 4 thị trường lớn gồm Singapore, Nhật Bản, EU, và Mỹ, với doanh thu đạt 60 tỷ đồng mỗi năm.

Hai lần khởi nghiệp từ thất bại, Phạm Anh Cường hiện là chuyên gia thương hiệu và ươm tạo doanh nghiệp, hỗ trợ startup bằng chính kinh nghiệm của mình. Nguồn: Internet
Flower Farm không chỉ dừng lại ở việc kinh doanh hoa giấy, mà còn trở thành một trong những startup tiên phong áp dụng công nghệ vào ngành hoa tươi. Trước tình trạng nhiều hộ trồng hoa gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra và bị ép giá bởi lái buôn, vào năm 2015, Flower Farm đã mở rộng sang lĩnh vực hoa tươi. Mô hình này kết nối trực tiếp giữa nông trại, cửa hàng hoa, và người tiêu dùng qua nền tảng website và ứng dụng di động.

Nền tảng này cho phép người nông dân, siêu thị, và người mua giao dịch trực tuyến với nhiều tính năng tiên tiến như tự động kết nối với phần mềm quản lý hàng hóa, đồng bộ dữ liệu giữa các trang trại và kho hàng, gửi thông tin tự động, định vị, đánh giá tín nhiệm và cảnh báo giao dịch bất thường. Đặc biệt, mô hình này được Flower Farm cung cấp miễn phí với mong muốn thay đổi thói quen kinh doanh truyền thống, kết hợp nông nghiệp và công nghệ số để giải quyết những thách thức cho nông dân và người bán hoa. Phạm Anh Cường chia sẻ: "Mục tiêu của tôi không chỉ là lợi nhuận, mà còn là xây dựng một hệ sinh thái nông nghiệp bền vững."

Thành công của Flower Farm và Hệ sinh thái khởi nghiệp BestB đã truyền cảm hứng cho Phạm Anh Cường tiếp tục hành trình hỗ trợ và khuyến khích tinh thần khởi nghiệp trong cộng đồng doanh nhân trẻ. Nhiều bạn trẻ đã tìm đến anh để chia sẻ ý tưởng và học hỏi kinh nghiệm. Với trải nghiệm vượt qua thất bại để thành công, Cường hiểu rõ những khó khăn mà các startup giai đoạn đầu gặp phải và những yếu tố quan trọng quyết định sự thành bại, đặc biệt là việc gọi vốn đầu tư.

Anh Cường nhấn mạnh rằng khởi nghiệp không chỉ đơn giản là bắt đầu kinh doanh. Startups tạo ra các sản phẩm tiên phong và có tiềm năng tăng trưởng theo cấp số nhân, trong khi các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) lại tập trung vào các sản phẩm đã có trên thị trường với tốc độ tăng trưởng chậm hơn. Startups không yêu cầu phải có lợi nhuận ngay lập tức, nhưng cần sự đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển (R&D) trong giai đoạn đầu để tìm ra mô hình kinh doanh vững chắc và sản phẩm cốt lõi. Nhà đầu tư thường quyết định đầu tư vào startups dựa trên tiềm năng phát triển của chúng, thay vì yêu cầu lợi nhuận sớm như các ngân hàng đối với SME.

Hiện tại, Phạm Anh Cường không chỉ là một nhà đầu tư mà còn là mentor và diễn giả tại các hội thảo khởi nghiệp. Anh tích cực tham gia vào các cuộc thi khởi nghiệp tại các trường đại học lớn như Ngoại Thương và Đại học Quốc gia Hà Nội, với mong muốn thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong giới trẻ Việt Nam. Cường chia sẻ: "Hạnh phúc là khi giúp đỡ nhiều người. Thành công là khi nâng đỡ nhiều người. Đầu tư và ươm tạo cho khởi nghiệp là sứ mệnh của tôi."

Nguồn: doanhnghiephoinhap.vn

Zalo Chat
Gọi ngay: 0933995126