Lời cảnh báo này được đưa ra trong bối cảnh 175 quốc gia tham gia vòng đàm phán thứ năm về Hiệp ước Toàn cầu đầu tiên nhằm chấm dứt ô nhiễm nhựa, diễn ra từ ngày 25/11 đến 1/12 tại Busan, Hàn Quốc. Đây là một trong những nỗ lực lớn nhất của Liên Hợp Quốc để giải quyết một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe con người, hệ sinh thái và khí hậu.
Tác động của rác thải nhựa đang trở nên ngày càng nghiêm trọng. Một nghiên cứu gần đây trên cơ thể người đã phát hiện xự hiện diện của vi nhựa trong máu người, nhau thai, động mạch, thậm chí cả tinh dịch và tinh hoàn. Những hạt nhựa nhỏ bé này là tác nhân gây nên hàng loạt vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như đột quỵ, đau tim hay suy giảm khả năng sinh sản.
Rác thải nhựa cũng được dự báo sẽ tăng gấp ba lần vào năm 2060, với một nửa sẽ được xử lý bằng cách chôn lấp và chưa đến 20% được tái chế. Theo Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres, nếu không có hành động quyết liệt, đến năm 2050, lượng nhựa ở trong đại dương sẽ nhiều hơn cá. Ông nhấn mạnh:
"Các vi nhựa trong máu gây ra nhiều vấn đề sức khỏe mà chúng ta mới manh nha hiểu được"
Các cuộc đàm phán tại Busan đã phơi bày sự chia rẽ sâu sắc giữa các quốc gia. Na Uy, đại diện cho “Liên minh Tham vọng Cao” gồm hơn 60 quốc gia, kêu gọi giảm sản xuất nhựa và xử lý ô nhiễm từ gốc, thay vì chỉ tập trung vào quản lý rác thải.
Trong khi đó, các quốc gia có ngành công nghiệp hóa dầu lớn như Arab Saudi, Nga, và Iran phản đối cắt giảm sản xuất, cho rằng việc này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế. Họ đề xuất tập trung vào tái chế và xử lý rác thải.
Tình hình trở nên thêm phức tạp với lập trường không rõ ràng của Mỹ. Dưới thời Tổng thống đương nhiệm, Nhà Trắng đã cam kết hỗ trợ giảm sản xuất nhựa, đặt Mỹ cùng nhóm với EU và các quốc gia trong "Liên minh Tham vọng Cao". Tuy nhiên, sự trở lại của Tổng thống đắc cử Donald Trump – người ủng hộ nhiên liệu hóa thạch – có thể đảo ngược cam kết này.
Fiji là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của ô nhiễm rác thải nhựa. Là một quốc đảo ở Thái Bình Dương, Fiji không sản xuất nhựa nhưng lại gánh chịu hậu quả nặng nề từ ô nhiễm hạ nguồn. Bộ trưởng Khí hậu Fiji, ông Sivendra Michael, nhấn mạnh rằng:
“Hiệp ước toàn cầu về nhựa không chỉ bảo vệ hệ sinh thái mong manh của chúng tôi mà còn là bảo vệ điều kiện sống và sức khỏe cộng đồng.”
Các nước đang phát triển cũng yêu cầu các quốc gia giàu có phải chịu trách nhiệm chính trong việc giảm sản xuất nhựa. Kenya, Peru, và Barbados đã đề xuất áp dụng thuế hoặc phí toàn cầu đối với sản xuất nhựa nguyên sinh, có thể giúp huy động từ 25-35 tỷ USD mỗi năm để hỗ trợ các nước nghèo đối phó với cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, ngành công nghiệp hóa dầu đã mạnh mẽ phản đối, cho rằng điều này sẽ làm tăng giá tiêu dùng và gây ra bất ổn kinh tế.
Hiệp ước toàn cầu về nhựa là một cơ hội để các quốc gia cùng nhau giải quyết vấn đề cấp bách này. Nhưng để đạt được sự đồng thuận, các quốc gia cần vượt qua các rào cản chính trị và kinh tế.
Na Uy và các quốc gia trong Liên minh Tham vọng Cao đang thúc đẩy việc giải quyết ô nhiễm nhựa từ toàn bộ vòng đời sản phẩm, trong khi các nước giàu khác và ngành công nghiệp hóa dầu tiếp tục nhấn mạnh vào giải pháp quản lý rác thải hơn là cắt giảm sản xuất.
Dù kết quả cuối cùng của hiệp ước tại Busan vẫn còn bỏ ngỏ, điều rõ ràng là thế giới không còn thời gian để trì hoãn. Lựa chọn hành động hôm nay sẽ quyết định liệu nhân loại có thể vượt qua cuộc khủng hoảng nhựa hay không. "Thế giới đang chìm trong ô nhiễm nhựa", như lời Tổng thư ký Guterres, và chúng ta cần một giải pháp mang tính khẩn cấp.
Theo The Guardian, Reuters